Molnupiravir là thuốc kháng virus SARS-CoV-2 dạng uống đang thử nghiệm của Merck. Thuốc này được cho là có hiệu quả đối với bệnh nhân nhiễm bất cứ biến thể nào của virus SARS-CoV-2, giúp giảm 50% số ca bệnh nặng phải nhập viện hoặc số ca tử vong.
Công dụng đáng ngạc nhiên của thuốc Molnupiravir đặc trị Covid-19 của Công ty dược phẩm Mỹ Merch đang khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng khi qua nghiên cứu lâm sàng được thực hiện ở giai đoạn 3 với 775 bệnh nhân Covid-19 và đã giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 kể cả nhóm có nguy cơ cao.
Hiện Molnupiravir được xem là giải pháp khả quan giúp bù đắp hạn chế trong tiêm chủng Covid-19, cả ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Kết quả đầy hy vọng được hãng dược phẩm Merck công bố ngày 1/10 sau khi phân tích thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir của họ, ở giai đoạn 3 với 775 bệnh nhân Covid-19. Những người tham gia mắc Covid-19 từ nhẹ tới trung bình, được coi là có nguy cơ nhưng chưa phải nhập viện vào thời điểm bắt đầu thử nghiệm hồi đầu tháng 8.
Đến ngày 29 của thử nghiệm, chỉ 7,3% số bệnh nhân trong nhóm dùng thuốc Molnupiravir phải nhập viện, không có người nào tử vong. Trong khi đó, tỷ lệ nhập viện ở nhóm dùng giả dược là 14,1%, trong đó có 8 người tử vong.
Theo Reuters, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh thuốc kháng virus Molnupiravir có khả năng chống lại các biến chủng nCoV, gồm cả Delta, Gamma và Mu.
Merck và công ty cùng nghiên cứu Ridgeback Biotherapeutics cho biết sẽ nộp đơn xin cấp quyền sử dụng khẩn cấp cho Molnupiravir lên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Chính phủ Mỹ đã lên kế hoạch phê duyệt khẩn cấp loại thuốc này. Họ đã cam kết mua 1,7 triệu liệu trình điều trị bằng Molnupiravir với tổng trị giá lên tới 1,2 tỷ USD. Ridgeback Biotherapeutics và Merck dự kiến sản xuất 10 triệu liệu trình vào cuối năm nay.
Vì là dạng viên, Molnupiravir có thể giúp bệnh nhân không phải đến phòng khám để được truyền máu cho các phương pháp điều trị như kháng thể đơn dòng. Việc sử dụng thuốc Molnupiravir cũng được đánh giá là phương pháp rẻ hơn khi có chi phí khoảng 700 USD/ liệu trình, trong khi một liệu trình điều trị kháng thể đơn dòng có thể lên tới 2.100 USD hay có thể mất tới 3.100 USD nếu dùng Remdesivir.
Việc vận chuyển và bảo quản thuốc viên uống cũng dễ dàng hơn so với thuốc truyền, nên có thể dễ phân phối với các khu vực xa xôi có nguồn lực hạn chế. Đây cũng là lý do khiến Molnupiravir có thể trở thành giải pháp chống dịch mang lại tác động lớn đối với những nơi gặp vấn đề về nguồn cung vaccine.
Bên cạnh đó, các biện pháp khác ngoài thuốc vẫn rất quan trọng. Đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, xét nghiệm Covid-19 vẫn quan trọng và có hiệu quả. Sự xuất hiện của các loại thuốc không phải là lý do để con người mất cảnh giác với căn bệnh nguy hiểm này.
Theo trang Bloomberg, nếu được cấp phép và đưa ra thị trường, Molnupiravir có thể sẽ là công cụ tạo ra sự thay đổi bước ngoặt trong cuộc chiến chống Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề nguồn cung toàn cầu tới đâu, có đạt được sự đồng đều, bình đẳng hay không vẫn còn là câu hỏi lớn.
Hơn nữa, mặc dù thuốc uống kháng virus SARS-CoV-2 của Merck được các chuyên gia y tế ca ngợi nhưng họ vẫn cho rằng Molnupiravir không thể thay thế vắc-xin.
Cựu ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb thừa nhận kết quả thử nghiệm của thuốc Molnupiravir là “yếu tố thay đổi cục diện” song không xem đó là giải pháp thay thế vắc-xin.
Với ông Duneton, Molnupiravir mở ra cánh cửa hy vọng về phương pháp điều trị hiệu quả Covid-19 và giờ là lúc các bên cần phối hợp với nhau để giúp người dân tại các nước nghèo có điều kiện tiếp nhận loại thuốc này.
Tương tự, ông Kent Sepkowitz, chuyên gia phân tích y khoa của đài CNN, nhận định kết quả thử nghiệm là một tin tức tuyệt vời nhưng Molnupiravir có thể sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống Covid-19.
Nhiều nước đang đàm phán với Merck để mua thuốc trị COVID-19 Molnupiravir
Theo Hãng tin Reuters, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đang muốn mua loại thuốc trị COVID-19 tiềm năng sau khi đi sau các nước phương Tây trong việc mua vắc xin.
Chính phủ Thái Lan đang đàm phán với Hãng dược Merck của Mỹ để mua 200.000 viên thuốc kháng virus Molnupiravir dùng trong điều trị COVID-19
Theo đó, ngoài Thái Lan, còn có Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia đang đàm phán để mua thuốc Molnupiravir của Hãng Merck.
Trong khi đó, Philippines – quốc gia đang tiến hành thử nghiệm loại thuốc này – cho biết họ hy vọng nghiên cứu trong nước sẽ cho phép sớm tiếp cận phương pháp điều trị.
Reuters cho hay tất cả các nước và vùng lãnh thổ trên đều từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán mua bán.
Trong ngày 4-10, Hãng thông tấn Kyodo News đưa tin Bộ Y tế Nhật Bản đang đàm phán với Merck để mua thuốc viên kháng virus, nhằm sử dụng cho những người mắc các triệu chứng nhẹ của COVID-19.
“Một loại thuốc uống có thể dùng tại nhà cho những người có triệu chứng nhẹ có thể được phát triển vào cuối năm nay, và chúng tôi đang đàm phán để sử dụng loại thuốc này ngay sau khi nó được phê duyệt”, cựu thủ tướng Yoshihide Suga nói trong một cuộc họp báo vào tuần trước.
Ngày 1-10, Hãng tin AFP đưa tin về kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối thuốc viên kháng virus của Merck và đối tác Ridgeback Therapeutics. Thử nghiệm đánh giá dữ liệu của 770 bệnh nhân, gần một nửa trong số này dùng Molnupiravir trong 5 ngày, trong khi số còn lại dùng giả dược.
Kết quả cho thấy Molnupiravir giúp giảm gần 50% nguy cơ nhập viện. Thuốc đảm bảo tính an toàn, và có hiệu quả tốt chống lại các biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 như biến thể Delta.
“Loại thuốc này sẽ thay đổi các cuộc trao đổi xung quanh việc kiểm soát COVID-19” – ông Robert Davis, giám đốc điều hành Merck, cho biết.
Merck cho biết sẽ sớm nộp hồ sơ xin FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp cho thuốc Molnupiravir.
Nếu được cấp phép, theo Reuters, Molnupiravir sẽ là thuốc kháng virus dạng uống đặc trị COVID-19 đầu tiên trên thế giới.
Báo Business Insider cho biết tin tức về hiệu quả thử nghiệm thuốc kháng virus của Merck trong ngày 1-10 đã giúp giá cổ phiếu nhà sản xuất tăng vọt, trong khi cổ phiếu các hãng sản xuất vắc xin lại giảm trong phiên giao dịch cùng ngày.
Cổ phiếu của Merck tăng giá 12,3%, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2-2020.
Cổ phiếu của Moderna và BioNTech cùng giảm mạnh 16%. Cổ phiếu Hãng Novavax của Mỹ giảm tới 26%. Cổ phiếu của Pfizer và Johnson & Johnson giảm lần lượt 3% và 2%.
Trên thị trường châu Á, Hãng tin Bloomberg ghi nhận cổ phiếu của 2 hãng dược Trung Quốc – CanSino và Sino Biopharmaceutical (đều niêm yết ở Hong Kong) giảm lần lượt 23% và 5%.